Tuesday, October 26, 2021

Những ca khúc hay nhất Tân Nhàn

Tân Nhàn - Hà Nam Quê Hương Tôi

Huế và em - Phương Anh - Phương Ý

Những Giòng Sông

Sinh ra ở đâu, mà ai cũng anh hùng?
Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông…
Chẳng phải sông Đà, sông Mã, sông Hồng đôi bờ cát mênh mông,
Thì cũng sông Trà, sông Hương, sông Cửu Long uốn chín đầu rồng
Chẳng phải rộng xa một tầm cò vỗ cánh,
Cũng xinh xinh vài sải chèo quẫy mạnh
Quê hương Việt Nam mườn mượt những cánh đồng
Mỗi con người gắn bó một dòng sông
Khi ta bé dòng sông nào cũng rộng
Chiếc thuyền giấy gửi tuổi thơ theo sóng
Một cánh Cò vỗ lả xuống lòng ta…

Từ nguồn nào, sông cũng nặng phù sa
Đời ông cha từng cuốc đất, dựng nhà.
Khơi tưởng tượng, những chuyện xưa mẹ kể
Tuổi thơ ngây ngỡ dòng sông nhỏ bé
Cửa quê mình Trần Quốc Toản từng qua…

Những dòng sông ngàn năm ôm cánh đồng
Khi ta vào đời, Đời đã cấy cày chung
Xanh sắc lúa xoá bờ gầy đói khổ
Mặt cánh đồng nhờ mặt người soi hộ
Trên dòng sông–là một tấm gương trong…

Em ta yêu có gì như lòng sông
Một nền xanh tràn xuống chảy theo dòng
Là ruộng đất, anh hiền lành, khoẻ khoắn
Có mía ngọt và bãi hoa mơ mộng…

Đã bao đời gắn bó giữa hai ta,
Sông chia mình thành ngàn nhánh phù sa
Đến bè bạn cùng từng gốc lúa
Trắng lấp lánh là quẫy tung đuôi cá
Xanh mát êm là xoan dọc bờ vùng
Yêu nhau rồi, ta có những vui chung…

Uống bát nước chè bên nòng súng, trưa nắng cháy
Nghe màu xanh bờ bãi mát trong lòng!
Bình tĩnh ngồi bên những trái bom
Đâu trong gió mái chèo xa vọng lại:
Đêm mưa không đèn vững vàng tay lái
Đường dẫn đi như dòng nước tới mênh mông…

Sinh ra ở đâu mà ai cũng anh hùng?
Tất cả trả lời: Sinh bên một dòng sông…

1967

Ai Nhớ Chăng Ai - Ý Linh

BÌNH THUẬN NHỚ VÀ NHỚ VỀ BÌNH THUẬN

Nhớ về một vùng đất là khoảng không gian riêng, rất đặc biệt thuộc phạm trù của tình cảm. Mọi sự gò ép dù xuất phát từ thiện chí, bằng bất cứ lý do gì cũng đều khiến cho những cung bậc cảm xúc vốn dĩ rất tự nhiên sẽ trở nên khiên cưỡng và giả tạo. Vậy Bình Thuận có gì để nhớ, và những ai sẽ nhớ về Bình Thuận.

Nếu không có sự kiện độc đáo “nhật thực toàn phần” diễn ra vào ngày 24/10/1995 thì có lẽ rất nhiều người, bao gồm cả du khách quốc tế - sẽ không ai biết đến Mũi Né - Phan Thiết - Bình Thuận. Điều này đồng nghĩa với việc nguồn tài nguyên tiềm tàng về du lịch Bình Thuận sẽ mãi mãi nằm yên, thậm chí bị bỏ quên trong lớp bụi thời gian. Như vậy, du lịch Bình Thuận được đánh thức và khơi dậy từ hiện tượng thiên nhiên mà tạo hóa đã vô tình hay cố ý trao cho tỉnh nhà một cách bất ngờ. Sự bất ngờ ấy đã làm thay đổi cả diện mạo của một vùng đất mà trước đó hãy còn khá xa lạ trong tâm trí của du khách trong và ngoài nước. Từ đây, sau những chuyển động ngoạn mục, trên bản đồ du lịch Việt Nam đã ghi thêm một địa danh, một dấu son tươi thắm - Mũi Né, Phan Thiết - thủ đô resort hoặc gọi một cách hình tượng hơn là “Mũi Né - thiên đường nghỉ dưỡng”, và giờ đây, Mũi Né đã trở thành Khu du lịch quốc gia. Nhưng thiên nhiên không chỉ ban cho Bình Thuận một vùng biển vào hạng nhất nhì cả nước về ngư trường thủy hải sản; một đồi cát bay có sức quyến rũ đến lạ kỳ, giống như thỏi nam châm khổng lồ có sức hút mạnh mẽ với mọi ngành nghệ thuật, đặc biệt là nhiếp ảnh. Thiên nhiên còn chỉ ra cho nhân dân Bình Thuận cách làm giàu từ biển thông qua việc xác lập và nâng tầm “ngành công nghiệp không khói” này lên thành một “mũi nhọn” của nền kinh tế Bình Thuận. Đó là các hình thức du lịch nghỉ dưỡng, du lịch sinh thái biển, du lịch - thể thao biển mang tầm quốc gia và quốc tế. Đảo ngọc Phú Quý, cách đất liền gần 60 hải lý cũng đã được xác định là khu du lịch cấp tỉnh - nơi dành cho những ai thích khám phá và trải nghiệm những điều kỳ diệu tuyệt vời cùng biển cả.

Trong quá khứ, Bình Thuận từng là đất tụ nghĩa, tụ trí, tụ lực. Những năm đầu thế kỷ XX nơi đây từng vinh dự đón những chí sĩ yêu nước như: Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng, Trần Quý Cáp
Bình Thuận cũng là nơi ghé qua của những nhà thơ lớn, mà tên tuổi đã góp phần làm rạng rỡ nền thi ca Việt Nam hiện đại như: Hàn Mặc Tử, Bích Khê, Chế Lan Viên.  Sự hiện diện của những danh nhân văn hóa, những thi nhân tài hoa đã góp phần làm cho Bình Thuận thêm đáng yêu và hấp dẫn dưới góc nhìn địa - văn hóa. “…Bên cạnh tài sản trời cho là đất ấy, núi ấy, biển ấy còn là cái kho lớn của văn hóa vùng đất cực Nam Trung bộ, trong đó có văn hóa Chàm rực rỡ…”.
Người Bình Thuận vì nhiều lý do khác nhau phải xa lìa quê hương sẽ luôn tự hào và không thể nào quên Tháp nước Phan Thiết, do Hoàng thân Xuphanuvông (Lào) thiết kế, đến nay đã gần 90 năm mà vẫn ngày ngày soi bóng mơ màng xuống dòng Cà Ty chảy êm đềm giữa lòng thành phố. Trong những ngày giãn cách phòng chống dịch Covid-19, phải ở nhà, chắc chắn không ít người Bình Thuận sẽ nhớ da diết những món ăn dân dã đã trở thành đặc sản quen thuộc như: bánh xèo, bánh căn, bánh canh chả cá… với món nước chấm được pha chế khéo léo từ nước mắm truyền thống Phan Thiết nổi tiếng. Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc - một người con Bình Thuận xa quê, từng chia sẻ tâm trạng rất thật này trong bài viết ngắn, dí dỏm với tên gọi “Bánh căn Phan Thiết - đi xa càng nhớ”.

Về Bình Thuận, sau khi tắm mình trong biển trời thơ mộng Mũi Né - Hòn Rơm, du khách quốc tế có thể đến thăm “Bảo tàng nước mắm” rồi tiếp tục khám phá “Huyền thoại làng chài” thông qua chương trình nghệ thuật đặc sắc do những nghệ sĩ và vũ công chuyên nghiệp của Nhà hát Ca múa nhạc Biển Xanh biểu diễn. Các nhà nghiên cứu văn hóa sẽ có dịp tiếp xúc với những nghệ nhân dân gian Chăm ngay tại làng nghề truyền thống, trực tiếp trò chuyện và trải nghiệm với các nhà nghiên cứu bản địa về những nét độc đáo của văn hóa vật thể và phi vật thể của dân tộc Chăm. Đó là chưa kể đến những tên gọi mộc mạc, thân thương nhưng có thừa sức níu chân du khách như: Mũi điện Kê Gà, cáp treo Tà Cú (Hàm Thuận Nam), dinh Thầy Thím, Ngảnh Tam Tân, biển Cam Bình, Hòn Bà (La Gi) ở phía Nam; Bàu Trắng (đồi Trinh nữ - Bắc Bình), cù lao Câu, gành Son, chùa Cổ Thạch… ở phía bắc Bình Thuận.

Những ai đã từng đặt chân đến Bình Thuận, mời trở lại ít nhất một lần để cảm nhận những đổi thay kỳ diệu ở những nơi mình đã từng qua, từng gắn bó với nhiều trải nghiệm ấn tượng. Những ai chưa có dịp dừng chân, Bình Thuận luôn mở rộng vòng tay nghĩa tình, thân thiện và vinh dự đón chào… Hãy về Bình Thuận.

ST

Ba cách đơn giản để có hệ tiêu hóa khỏe mạnh

 Hệ tiêu hóa đóng vai trò cực kỳ quan trọng đối với sức khỏe hằng ngày. Các nghiên cứu chỉ ra rằng lo âu, công việc hoặc trầm cảm chính là những tác nhân ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. 

Nhưng chỉ với vài bước đơn giản sau, Bạn sẽ có một hệ tiêu hóa tốt hơn và lành mạnh hơn.

1. Luyện tập hít thở sâu
Hít thở sâu là một hình thức để kiểm soát stress và đặc biệt quan trọng trước bữa ăn để giúp tiêu hóa. 
* Hơi thở sâu và chậm từ bụng sẽ kích hoạt hệ thần kinh hoạt động. Khi điều này xảy ra, Bạn đang đạt tới giai đoạn “nghỉ ngơi và tiêu hóa,” giúp cơ thể xử lý thức ăn tốt hơn và hấp thụ nhiều dưỡng chất hơn. Bên cạnh đó, nó còn giúp không bị đầy hơi và trướng bụng khi Bạn ăn quá nhanh. 
Việc kiểm soát căng thẳng là một thành tố quan trọng cho sức khỏe tiêu hóa, vì đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra mối liên hệ giữa não bộ và hệ tiêu hóa.

2. Ăn đồ ăn lên men thường xuyên
Đồ ăn lên men có chứa vi khuẩn tốt giúp cải thiện sức khỏe tiêu hóa. Vi thực vật địa phương có trong các loại thức ăn như kimchi, tempeh hay dưa cải, tạo ra một hàng bảo vệ trong ruột và giúp cải thiện sức đề kháng. 
Bạn nên ăn từ hai đến ba muỗng thức ăn lên men mỗi bữa ăn trước, trong hoặc ngay sau khi ăn. Các lợi khuẩn probiotic sẽ được tiêu hóa cùng với đồ ăn tiêu thụ và tạo ra phép màu của chúng bất kể Bạn tiêu thụ chúng khi nào.

3. Chất xơ từ thực vật
Việc tiêu thụ chất xơ có nguồn gốc từ thực vật, được biết đến như các loại thực phẩm giàu pre-biotic, cực kỳ quan trọng đối với lợi vi khuẩn trong hệ tiêu hóa. Chúng giúp hệ tiêu hóa vận hành trơn tru và trôi chảy, xử lý thức ăn và đào thải chất thải đều đặn như một chiếc đồng hồ. Hãy đặt mục tiêu tiêu thụ ít nhất 35gr chất xơ này mỗi ngày. 

Bạn có thể tham khảo thực đơn dưới đây:
4 gram diên mạch chín
5 gram cải xoăn
15 gram đậu đen
10 gram artichaut
8 gram cải Brussel Sprout
6-7 gram bơ

Cuối cùng, Bạn hãy dành thời gian quan tâm đến sức khỏe hệ tiêu hóa vì chúng sẽ đem đến những lợi ích khỏe mạnh mà Bạn không bao giờ nghĩ đến.

Monday, October 25, 2021

Tân Nhàn - Hà Nam Quê Hương Tôi

Khúc Hát Sông Quê - Anh Thơ

Khúc hát sông quê. Thùy Linh

Huế Thương - Hương Mơ

Mưa Huế - Hương Mơ Official

23

Khi mô anh về thăm Huế xưa
Nhớ gọi dùm em một chút mưa
Gọi thêm mớ lạnh từ chân tóc
Buốt thấu buồng tim vẫn chưa bưa

Ngoài nớ chừ đang giữa tháng mưa
Em về áo mỏng có ai đưa
Qua sông nước ngập ngăn bờ đá
Gót nhỏ chắc em lạnh suốt mùa

Thuở ấy em còn rất ngây thơ
Có anh che áo lúc trời mưa
Qua sông thuyền nhỏ anh ôm lái
Ấm áp tình em buổi dại khờ

Rồi một chiều thu em xa quê
Ðể ai ngóng đợi bước chân về
Mưa giăng đỉnh Ngự se lòng nhớ
Gió buốt dòng Hương lạnh tái tê.

Từ ấy mưa về không có em
Buồn hiu quán nhỏ phố lên đèn
Mưa thơ rét mướt lòng ly khách
Nỗi nhớ bồng bềnh lay ngõ tim

Hẹn Huế mùa sau trở lại thăm
Thăm từng cái lạnh dấu trong chăn
Thăm mưa rả rích trong đêm vắng
Ðể nhớ vô cùng những tháng năm. 


MƯA NHỚ AI
Trần Hồng Tâm
 
Mưa chi rứa cho em về ướt áo
Cho tóc hờn cứ quấn lấy bờ vai
Cho tóc mai từng sợi ngắn sợi dài
Thả nỗi nhớ giữa chiều mưa phố Huế
 
Huế vốn buồn mưa chi thêm giọt lệ
Cho anh về nhớ rứa những chia xa
Nón che nghiêng tay em gầy guộc lạ
Áo tím sầu tím cả một giòng Hương
 
Anh khách xa bao năm trời lạc hướng
Lặng lẽ về tìm nỗi nhớ không quên
Phố vẫn đây vườn hoa xưa quyến luyến
Thương Bạc chiều mưa Huế ướt đầy vơi
 
Xin cho anh một lần mưa đứng đợi
Như ngày nào tuổi mười tám đôi mươi
Có tóc em thơm hồn nhiên hương bưởi
Có mắt cười lúng liếng bước vào thơ
 
Huế yêu ơi có bao giờ em nhớ
Giữa mưa về man mác chút đời riêng
Phố nhỏ chiều ni mưa buồn lên tiếng
Có một người lặng lẽ nhớ mưa xưa
 
Ảnh: Lê Nhật Quang

 

Mưa Huế - Hương Mơ

Âm Nhạc Album Miền Trung Phương Anh và Phương Ý

Tuesday, October 19, 2021

Ba cái thiếu kinh niên của người già. - Bác Sĩ Đỗ Hồng Ngọc

Tu là phải tập, học là phải hành. Đừng share facebook rồi chẳng làm gì cả. Phải sống thích nghi trong những năm bình thường mới và chăm sóc bản thân nhiều hơn. Đây là giai đoạn bắt đầu nở rộ sinh hoạt nhóm, cộng đồng trong thế giới phẳng.

Chính quyền chỉ tồn tại để duy trì an ninh, trật tự. Con người chỉ phải lo kiếm cơm để sống và 50% còn lại sẽ sống trong thế giới ảo (?).

Già thì khổ, ai cũng biết. Sanh lão bệnh tử! Nhưng già vẫn có thể sướng. Muốn sống lâu thì phải già chớ sao! Già có cái đẹp của già. Trái chín cây bao giờ cũng ngon hơn trái giú ép. Cái sướng đầu tiên của già là biết mình… già, thấy mình già, như trái chín cây thấy mình đang chín trên cây. Nhiều người chối từ già, chối từ cái sự thật đó và tìm cách giấu cái già đi, như trái chín cây ửng đỏ, mềm mại, thơm tho mà ráng căng cứng, xanh lè thì coi hổng được.

Mỗi ngày nhìn vào gương, người già có thể phát hiện những vẻ đẹp bất ngờ như những nếp nhăn mới xòe trên khóe mắt, bên vành môi, những món tóc lén lút bạc chỗ này chỗ nọ, cứng đơ, xơ xác… mà không ngờ nhanh vậy!

Thực tế con người ta có cái khuynh hướng dễ thấy khổ hơn. Khổ dễ nhận ra còn sướng thì khó biết! Một người luôn thấy mình sướng thì không khéo người ta nghi ngờ là có vấn đề về tâm thần!

Nói chung, người già có ba nỗi khổ thường gặp nhất, nếu giải quyết đựơc sẽ giúp họ sống “trăm năm hạnh phúc”:

 

 

* MỘT LÀ THIẾU BẠN!

Nhìn qua nhìn lại, bạn cũ rơi rụng dần… Thiếu bạn, dễ hụt hẫng, cô đơn và dĩ nhiên… cô độc. Từ đó dễ thấy mình bị bỏ rơi, thấy không ai hiểu mình!.

Người già chỉ sảng khoái khi được rôm rả với ai đó, nhất là những ai “cùng một lứa bên trời lận đận”… Gặp đựơc bạn tâm giao thì quả là một liều thuốc bổ mà không bác sĩ nào có thể biên toa cho họ mua được!

Để giải quyết chuyện này, ở một số nước tiên tiến, người ta mở các phòng tư vấn, giới thiệu cho những người già cùng sở thích, cùng tánh khí, có dịp làm quen với nhau. Người già tự giới thiệu mình và nêu “tiêu chuẩn” người bạn mình muốn làm quen.

Rồi họ dạy người già học vi tính để có thể “chat”, “meo” với nhau chia sẻ tâm tình, giải tỏa stress… Thỉnh thỏang tổ chức cho các cụ họp mặt đâu đó để được trực tiếp gặp gỡ, trao đổi, dòm ngó, khen ngợi hoặc… chê bai lẫn nhau. Khen ngợi chê bai gì đều có lợi cho sức khỏe! Có dịp tương tác, có dịp cãi nhau là sướng rồi. Các tế bào não sẽ đựơc kích thích, đựơc hoạt hóa, sẽ tiết ra nhiều kích thích tố. Tuyến thượng thận sẽ hăng lên, làm việc năng nổ, tạo ra cortisol và epinephrine làm cho máu huyết lưu thông, hơi thở trở nên sảng khóai, rồi tuyến sinh dục tạo ra DHEA (dehydroepiandoster one), một kích thích tố làm cho người ta trẻ lại, trẻ không ngờ!…

Dĩ nhiên phải chọn một nơi có không khí trong lành. Hoa cỏ thiên nhiên. Thức ăn theo yêu cầu. Gợi nhớ những kỷ niệm xưa… Rồi dạy các cụ vẽ tranh, làm thơ, nắn tượng… Tổ chức triển lãm cho các cụ. Rồi trình diễn văn nghệ cây nhà lá vườn. Các cụ dư sức viết kịch bản và đạo diễn. Coi văn nghệ không sướng bằng làm văn nghệ!

 

* CÁI THIẾU THỨ HAI LÀ THIẾU ĂN!

Thực vậy. Ăn không phải là tọng là nuốt là xực là ngấu nghiến… cho nhiều thức ăn! Ăn không phải là nhồi nhét cho đầy bao tử! Trong cuộc sống hằng ngày có nhiều thứ nuốt không trôi lắm! Chẳng hạn ăn trong nỗi sợ hãi, lo âu, bực tức; ăn trong nỗi chờ đợi, giận hờn thì nuốt sao trôi? Nuốt là một phản xạ đặc biệt của thực quản dưới sự điều khiển của hệ thần kinh. Một người trồng chuối ngược vẫn có thể nuốt được dễ dàng! Nhưng khi buồn lo thì phản xạ nuốt bị cắt đứt!

Nhưng các cụ thiếu ăn, thiếu năng lựơng phần lớn là do sợ bệnh, kiêng khem quá đáng. Bác sĩ lại hay hù, làm cho họ sợ thêm! Nói chung, chuyện ăn uống nên nghe theo mệnh lệnh của… bao tử.

“Listen to your body”. Hãy lắng nghe sự mách bảo của cơ thể mình! Cơ thể nói… thèm ăn cái gì thì nó đang cần cái đó, thiếu cái đó! Nhưng nhớ ăn là chuyện của văn hóa! Chuyện của ngàn năm, đâu phải một ngày một buổi. Món ăn gắn với kỷ niệm, gắn với thói quen, gắn với mùi vị từ thuở còn thơ! Người già có thể thích những món ăn… kỳ cục, không sao. Đừng ép! Miễn đủ bốn nhóm: bột, đạm, dầu, rau… Mắm nêm, mắm ruốc, mắm sặc, mắm bồ hóc, tương chao… đều tốt cả. Miễn đừng quá mặn, quá ngọt…là đựơc. Cách ăn cũng vậy. Hãy để các cụ tự do tự tại đến mức có thể đựơc. Đừng ép ăn, đừng đút ăn, đừng làm “hư” các cụ!

Cũng cần có sự hào hứng, sảng khoái, vui vẻ trong bữa ăn.. Con cháu hiếu thảo phải biết… giành ăn với các cụ. Men tiêu hoá được tiết ra từ tâm hồn chớ không chỉ từ bao tử.

 

* CÁI THIẾU THỨ BA LÀ THIẾU VẬN ĐỘNG!

Già thì hai chân trở nên nặng nề, như mọc dài ra, biểu không chịu nghe lời ta nữa! Các khớp cứng lại, sưng lên, xương thì mỏng ra, dòn tan, dễ vỡ, dễ gãy!

Bác sĩ thường khuyên vận động mà không hướng dẫn kỹ dễ làm các cụ ráng quá sức chịu đựng, lâm bệnh thêm. Phải làm sao cho nhẹ nhàng mà hiệu quả, phù hợp với tuổi tác, với sức khỏe. Phải từ từ và đều đều. Ngày xưa người ta săn bắn, hái lượm, đánh cá, làm ruộng, làm rẫy… lao động suốt ngày. Bây giờ chỉ ngồi quanh quẩn trong bốn bức tường trước TV!. Có một nguyên tắc “Use it or lose it!” Cái gì không xài thì teo! Thời đại bây giờ người ta xài cái đầu nhiều quá, nên “đầu thì to mà đít thì teo”. Thật đáng tiếc!

Không cần đi đâu xa. Có thể tập trong nhà. Nếu nhà có cầu thang thì đi cầu thang ngày mươi bận rất tốt. Đi vòng vòng trong phòng cũng được. Đừng có ráng lập “thành tích” làm gì! Tập cho mình thôi.. Từ từ và đều đều… Đến lúc nào thấy ghiền, bỏ tập một buổi… chịu hổng nổi là được!

Nguyên tắc chung là kết hợp hơi thở với vận động. Chậm rãi, nhịp nhàng. Lạy Phật cũng phải đúng… kỹ thuật để khỏi đau lưng, vẹo cột sống. Đúng kỹ thuật là giữ tư thế và kết hợp với hơi thở. Đó cũng chính là thiền, là yoga, dưỡng sinh…! Vận động thể lực đúng cách thì già sẽ chậm lại. Giảm trầm cảm, buồn lo. Phấn chấn, tự tin. Dễ ăn, dễ ngủ…

 

Tóm lại, giải quyết được “ba cái lăng nhăng” đó thì có thể già mà… sướng!

BS Đỗ Hồng Ngọc